Lượt xem: 531

Ngành tôm Sóc Trăng chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường

Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 2,4 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm chiếm đến 37%. Tín hiệu lạc quan của ngành tôm trong thời kỳ “hậu COVID-19” đã góp phần duy trì ổn định chuỗi ngành hàng ngay từ quý I. Để giữ vững vị trí đứng đầu cả nước về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, ngành tôm Sóc Trăng hiện đang có sự chủ động rất tốt từ lĩnh vực nuôi đến chế biến, nhằm đảm bảo nguồn tôm nguyên liệu ổn định và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu tiếp cận nhiều thị trường lớn

 


Nuôi tôm theo quy trình lót bạt, công nghệ cao đang phát triển mạnh tại tỉnh Sóc Trăng.

 

    Theo khung lịch thời vụ đã được khuyến cáo, vụ tôm nước lợ năm 2022 tại tỉnh Sóc Trăng bắt đầu khởi động từ giữa tháng 1 (dương lịch). Tính đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được 14.815,9 ha, đạt 19,8% so với kế hoạch. Trong đó, có 758,7 ha đã thu hoạch với sản lượng 6. 651 tấn. Đa số hộ nuôi đều phấn khởi khi thời tiết giai đoạn đầu vụ khá thuận lợi nên môi trường ao nuôi không có nhiều biến động. Thêm vào đó, giá tôm cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và đang có xu hướng tiếp tục tăng. Ông Trịnh Minh Bông, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên phấn khởi cho biết: “So với năm rồi, đầu vụ tôm năm nay nuôi đạt hơn, thuận lợi lắm. Tôi đã thả được 54 ngày rồi, nay đạt cỡ hơn 70 con/ký. Giá bán hiện tại cũng ổn, giá tôm thẻ trên thị trường giờ đang lên, nói chung bà con nuôi tôm ở đây mừng lắm”.

    Trong vụ nuôi năm nay, Hợp tác xã Nông ngư 14/10 ở ấp Hòa Nhờ, xã Hòa Tú 2 đặt mục tiêu đạt sản lượng tôm nuôi là 200 tấn. Nuôi tôm theo quy trình lót bạt tiếp tục là mô hình được thành viên Hợp tác xã áp dụng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro về môi trường, dịch bệnh. Hiện nay, Hợp tác xã cũng đã được Chi cục Thủy sản tỉnh hỗ trợ thiết bị quan trắc, cứ 20 phút 1 lần, các chỉ số trong ao sẽ được cập nhật trực tiếp đến điện thoại của người nuôi. Nhờ linh hoạt trong thay đổi quy trình cùng việc duy trì tốt mô hình nuôi tôm sạch theo chuẩn ASC, Hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ tôm sau thu hoạch với công ty chế biến thủy sản tại tỉnh với mức giá cộng thêm là 4.900 đồng mỗi kg. Ông Ngô Công Luận – Giám đốc Hợp tác xã Nông ngư 14/10 chia sẻ: “Nuôi ao bạt để có sản lượng nhiều hơn. Còn có thuận lợi là ít bị rủi ro hơn so với ao đất. Ao bạt mỗi ngày mình xi phông 02 lần và thay nước hằng ngày. Khi mình xả nước ra, những con tôm yếu bị rớt đáy vẫn còn tươi và nguyên vẹn, mình bán ra thị trường vẫn mua nên mình thu hồi được phần vốn mà không bị lỗ. Năm rồi nhờ nuôi ao bạt mà đạt sản lượng 160 tấn, trừ hết chi phí, Hợp tác xã lãi khoảng 5,3 tỷ đồng”.

    Theo các doanh nghiệp, sự tăng trưởng lý tưởng của ngành tôm Việt Nam trong quý I là  do nhu cầu tiêu dùng của các thị trường tăng cao, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…  Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, xuất khẩu tôm trong tháng 4 sẽ tiếp tục tăng khoảng 20%. Chính vì thế, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tăng công suất, dù nguồn nguyên liệu trong nước đang khan hiếm. Đây được xem là “cơ hội quý” cho doanh nghiệp và nông dân phục hồi sản xuất sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh. Ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản sạch Việt Nam nhận định: “Xuất khẩu tôm tăng do các nước phát triển bắt đầu thích ứng và sống chung với COVID-19. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ tôm mạnh hơn, đặc biệt là các sản phẩm giá trị gia tăng, mà Việt Nam vốn có thế mạnh. Điều này cho thấy những tín hiệu tốt trong quý II và quý III. Về phía công ty cũng đã có sự chủ động, thu mua tôm nguyên liệu, tăng tốc hoạt động chế biến, tinh chế nhiều hơn các sản phẩm từ tôm nguyên liệu”.

    Mặc dù có nhiều thuận lợi về thị trường, giá bán, nhưng ngành tôm cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Đáng chú ý là ô nhiễm môi trường, diễn biến thời tiết bất thường và sự cạnh tranh thương mại từ các nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan… Tại Sóc Trăng, các giải pháp căn cơ để thúc đẩy chuỗi sản xuất từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu đã và đang được triển khai quyết liệt, phấn đấu đưa ngành tôm Việt Nam đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu là 4 tỷ USD. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết thêm: “Ngành sẽ tập trung các giải pháp quản lý giống, vật tư đầu vào, tập trung quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo, khuyến cáo để bà con tiến hành thả nuôi ở những thời điểm phù hợp. Tiếp tục đẩy nhanh việc cấp mã số đối tượng thủy sản chủ lực, khuyến khích bà con nuôi tôm theo chuẩn VietGAP, ASC.  Đặc biệt, quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết, hợp tác giữa các bên để xây dựng chuỗi giá trị ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững và ổn định hơn”.


Thu hoạch tôm tại vùng nuôi của tỉnh Sóc Trăng

 

    Tôm là một trong bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam và chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước, trong đó ngành tôm Sóc Trăng đóng góp khoảng 10%. Với sự chuẩn bị kỹ càng từ phía hộ nuôi và cơ quan quản lý nhà nước ngay từ giai đoạn đầu vụ, Sóc Trăng kỳ vọng sẽ tạo nhiều “bứt phá” hơn trong bức tranh chung của ngành tôm năm nay; phấn đấu đạt diện tích thả nuôi là 51.000 ha, sản lượng tôm nuôi là 196.000 tấn theo kế hoạch mà ngành Nông nghiệp tỉnh đề ra trong năm 2022.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 59
  • Hôm nay: 7356
  • Trong tuần: 78,063
  • Tất cả: 11,801,383